Có nhiều loại hóa chất được dùng trong gia đình như các loại xà phòng tắm, dầu gội đầu, hóa chất giặt tẩy, nước javen… Vì vậy các tai nạn ngộ độc do uống phải hóa chất cũng trở thành thường gặp. Ngộ độc hóa chất gia dụng xảy ra ở trẻ em đa số là do uống nhầm.
Triệu chứng, dấu hiệu ngộ độc
Các biểu hiện tiêu hóa:
Đau họng miệng, đau bụng, buồn nôn và nôn, môi lưỡi đỏ sung huyết, phồng rộp, trượt niêm mạc… Đau khu trú vùng thượng vị, mũi ức hoặc đau lan tỏa khắp bụng.
Các biểu hiện của hệ hô hấp: Khó thở, thở nhanh nông, tím quanh môi, cánh mũi phập phồng, co kéo hõm ức là các biểu hiện của suy hô hấp. Ngoài ra có thể nghe thấy tiếng thở rít do co thắt thanh quản.
Hệ tuần hoàn:
Có thể có tình trạng sốc do giảm thể tích, do đau hoặc do quá sợ, khi bị sốc sẽ thấy da bệnh nhân tái lạnh, nhợt nhạt, ẩm, có khi nổi các vân tím. Mạch quanh nhanh nhỏ khó bắt.
Thần kinh: Nạn nhân có thể bị rối loạn ý thức, sảng, suy sụp, hôn mê. Với trẻ nhỏ có thể hốt hoảng la khóc, nhưng cũng có thể li bì hôn mê.
Xử trí trẻ bị ngộ độc hóa chất tại Bệnh viện Nhi đồng I (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: TD |
Xử trí ngộ độc hóa chất
Cần giải thích trấn an để bệnh nhân không sợ hãi, hợp tác để giúp tìm hiểu và xử trí chính xác. Tìm kiếm, kiểm tra các hóa chất trong nhà để xác định tên hóa chất nạn nhân đã uống phải, hỏi bệnh nhân (đặc biệt là với trẻ em) nhiều lần để xác định và kiểm tra các thông tin về loại hóa chất, số lượng, thời gian uống và các thông tin liên quan khác.
Cho nạn nhân uống nước hoặc sữa để pha loãng độc chất: Hầu hết các trường hợp uống các chất tẩy rửa trong nhà như xà phòng tắm, dầu gội đầu, nước rửa bát, chỉ cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc sữa để pha loãng hóa chất, giảm kích thích niêm mạc. Cần uống nhiều nhưng từ từ tránh nôn sặc, theo dõi trẻ trong vòng vài giờ, để trẻ ở tư thế ngồi để dễ nôn tự nhiên.
Có thể gây nôn khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và hợp tác, bệnh nhân là trẻ lớn. Cho uống 200 - 300ml nước muối 0,9% rồi ngoáy họng bằng tay. Không gây nôn khi uống các hóa chất ăn mòn mạnh (acid, base, hoặc xăng dầu…).
Khi trẻ có các biểu hiện suy hô hấp, trụy mạch, sốc cần nhanh chóng chuyển đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Trong khi chuyển đến bệnh viện cần đặt trẻ ở tư thế nằm đầu thấp và nghiêng sang một bên.
Phòng tránh ngộ độc các hóa chất dùng trong gia đình
Các hóa chất sử dụng trong gia đình cần được để tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ em. Những chất có độc tính cao (các dung môi pha sơn, các hóa chất diệt côn trùng như thuốc xịt muỗi…) cần để những hộp riêng, có khóa, không để trẻ em lấy được.
Không đựng các đồ uống vào các chai lọ vốn là bao bì đựng hóa chất. Ngược lại không đựng các hóa chất vào các vỏ chai vốn đựng nước uống. Không để bất cứ loại hóa chất nào trong khu vực trẻ em thường vui chơi qua lại. Các trẻ nhỏ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo không nên để trẻ tự chơi một mình. Cần có người lớn hoặc các anh chị lớn hướng dẫn và theo dõi chăm sóc trong quá trình vui chơi.
Bác sĩ Kim Thoa